Các địa phương trong tỉnh chỉ còn 2 tháng nữa để hoàn thành quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Sau đó, đưa ra Hội đồng thẩm định rà soát, trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh để thông qua.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, quy hoạch SDĐ cấp huyện rất quan trọng, nếu các địa phương không hoàn thành đúng tiến độ sẽ không kịp trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp vào đầu tháng 12-2020. Năm nay, không phê duyệt được quy hoạch SDĐ thì tỉnh cũng không thể ban hành Kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Như vậy, các dự án buộc phải dừng lại vì các địa phương không thể cho thuê hoặc thu hồi đất.
Quy hoạch có vai trò quan trọng
Quy hoạch SDĐ cấp huyện là một trong những quy hoạch quan trọng nhất đang được các địa phương gấp rút hoàn thành. Vì sắp tới, tất cả các quy hoạch ngành khác đều phải lấy quy hoạch SDĐ làm “nền” để triển khai. Mục đích là để các quy hoạch ngành khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ không bị “lệch pha” nhau gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Thực tế, thời gian qua vì một số ngành không lấy bản đồ quy hoạch SDĐ làm “nền” nên đã dẫn tới các quy hoạch chồng chéo, khó triển khai phải chờ điều chỉnh quy hoạch mất khá nhiều thời gian.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Các quy hoạch ngành như: giao thông, xây dựng, giáo dục, thương mại, công nghiệp... đều phải sử dụng bản đồ nền do Sở TN-MT cung cấp để sau này khi thực hiện các công trình, dự án không xảy ra tình trạng quy hoạch bị lệch nhau. Các năm trước, có nhiều dự án chậm tiến độ do quy hoạch không đồng nhất phải đợi điều chỉnh”.
Cũng theo ông Tuấn Anh, quy hoạch SDĐ có chu kỳ 5 năm mới điều chỉnh một lần. Do đó, các huyện, thành phố phải rà soát thật kỹ, dự báo được xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong 5-10 năm tới để có quy hoạch SDĐ phù hợp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh lưu ý: “Quy định của tỉnh là lấy quy hoạch SDĐ làm tiền đề để các quy hoạch khác cập nhật theo. Mục đích là tạo sự thống nhất giữa các quy hoạch, khi cá nhân, doanh nghiệp muốn đầu tư dự án triển khai rất nhanh. Trong quy hoạch SDĐ lần này, các huyện cập nhật quy hoạch vùng và quy hoạch nông thôn mới vào”.
Theo kịp tốc độ phát triển
Hầu hết các sở, ngành, địa phương đều thống nhất, trong quy hoạch SDĐ phải có tầm nhìn xa và phải dự báo, theo kịp tốc độ phát triển của từng địa phương. Vì theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 10 năm tới, Đồng Nai sẽ là nơi có tốc độ đô thị hóa, kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Do tỉnh có lợi thế là đầu mối giao thông vùng, quốc gia, nhiều công trình hạ tầng giao thông sẽ được kết nối như: đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái...
Các địa phương đều thuê đơn vị tư vấn để thực hiện quy hoạch SDĐ, đồng thời cùng các phòng, ban chuyên môn rà soát lại những dự án được quy hoạch trong thời gian qua để có thể cập nhật tiếp hoặc loại bỏ nếu không còn khả thi.
Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho hay: “Trên địa bàn huyện có một số dự án lớn sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch SDĐ để phù hợp với sự phát triển của địa phương trong giai đoạn sau. Huyện dự kiến sẽ hủy bỏ khoảng 31 dự án trong quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030, bổ sung thêm nhiều diện tích phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và đất ở”.
Hướng phát triển của H.Trảng Bom sẽ tạo thành trục tròn trong phát triển kinh tế - xã hội cùng với 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Vì thế, việc tính toán, quy hoạch các loại đất cho giai đoạn sau là rất cần thiết.
H.Long Thành là nơi sẽ có nhiều biến động trong quy hoạch SDĐ của giai đoạn tới. Trong đó, nhu cầu về đất công nghiệp, thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, đất ở, công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ rất lớn. “Huyện sẽ thực hiện nhiều dự án lớn, nhỏ trên các lĩnh vực trong giai đoạn tới. Vì vậy, huyện rà soát rất kỹ để quy hoạch các loại đất cho phù hợp, sau này sẽ dễ dàng trong thu hút đầu tư các dự án. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều dự án quy hoạch chồng chéo nhau nên đây sẽ là dịp để điều chỉnh các quy hoạch theo quy hoạch SDĐ cho phù hợp” - Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp nói.
Ngoài ra, nhiều sở, ngành cũng lưu ý các địa phương trong việc quy hoạch đất lúa nghiêm ngặt, đất rừng cũng phải tính toán kỹ để tránh sau này khó triển khai các dự án phải lấy vào đất lúa, đất rừng. Đồng thời, các địa phương cập nhật nhanh các diện tích đất phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới vì theo dự báo sẽ tăng thêm hơn 7 ngàn ha.