Tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh hiện đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với chiều dài 129 km, bao gồm 17 ga đi qua địa bàn Bình Dương, Bình Phước. Tốc độ dự kiến khoảng 120 km/giờ. Dự án được đầu tư với 948,6 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay chưa tìm kiếm được nguồn vốn đầu tư.
Dự kiến đầu tư tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh
Trước đó vào năm 2013, Bộ GTVT cho biết đã phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết đường sắt khu đầu mối TP HCM tại Quyết định số 1556/QĐ-BGTVT trong đó có tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Cũng như, tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh tiếp tục được dự kiến đầu tư trong giai đoạn sau năm 2020.
Chính vì thế, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT chưa tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Thời gian tới, trường hợp có điều kiện về vốn hoặc có nhà đầu tư quan tâm đề xuất, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để xây dựng phương án và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật.
Về việc tổ chức cắm mốc, bàn giao mốc ngoài thực địa để quản lý quỹ đất theo quy hoạch, Bộ GTVT vừa qua đã giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm cắm mốc ngoài thực địa tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Ngay sau khi hoàn thành việc cắm mốc thí điểm tuyến đường sắt nêu trên, Bộ GTVT sẽ rà soát, đánh giá để nghiên cứu phương án triển khai cắm mốc đối với các tuyến còn lại theo quy hoạch (trong đó có tuyến Dĩ An - Lộc Ninh) đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/04/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Bốn phương án do Ban Quản lý Dự án đường sắt đưa ra để vay vốn ODA nước ngoài để đầu tư gồm: Phương án thứ nhất vay 85% tổng mức đầu tư và 15% vốn đối ứng ngân sách, tổng mức đầu tư khoảng 20.684 tỷ đồng; phương án thứ 2 sẽ vay 70% ODA và 30% còn lại vay tín dụng ưu đãi người mua với mức đầu tư là 20.836 tỷ đồng; phương án thứ bà sẽ vay 50% ODA và 50% còn lại vay tín dụng bên mua, tổng mức đầu tư là 20.938 tỷ đồng; còn phương án cuối cùng là sẽ sử dụng 100% vốn nhà nước, tổng mức đầu tư là 19.039 tỷ đồng.
Sơ lược về tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh
Về lịch sử hình thành, tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh là một tuyến đường sắt đã ngưng sử dụng, nối từ Sài Gòn đến Lộc Ninh. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nối với đường sắt Bắc Nam tại ga Dĩ An, đi qua Phú Cường thuộc Bình Dương rồi lên An Lộc và Lộc Ninh. Tuyến đường này bị bỏ hoang trong thời chiến tranh Việt Nam. Hiện nay đang có kế hoạch khôi phục, xây dựng lại tuyến đường này để nối với tuyến đường dài 128.5 km đường sắt Xuyên Á đến tận Campuchia.
Vào năm 1908, người Pháp bắt đầu trồng cao su ở tỉnh Thủ Dầu Một đến năm 1933, tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh chính thức hoạt động và vận chuyển “vàng trắng” (cao su) về cảng Sài Gòn để xuất khẩu.Tuyến đường sắt chính là tuyến đường vận chuyển cao su của người Pháp.
Tới năm 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch khôi phục lại tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Lúc này, tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh mới cách nền tuyến cũ khoảng 200m, dự kiến dài 128,5km, điểm đầu kết nối với đường sắt Thống Nhất tại ga Dĩ An và kết thúc tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng mức đầu tư khoảng 438 triệu USD.
Hy vọng trong thời gian tới, ngành GTVT quan tâm triển khai sớm dự án để người dân ổn định cuộc sống; sớm cắm mốc và bàn giao mốc thực địa, lộ giới các tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương; Bình Phước theo quy hoạch của Bộ để tỉnh Bình Dương; Bình Phước phối hợp các cơ quan hữu quan quản lý quỹ đất theo quy hoạch cũng như tạo điều kiện cho tỉnh trong triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh”.